Một trong những tư duy thường thấy của người làm marketing nói chung khi nói đến việc thúc đẩy doanh số bán hàng (Sales) đó là đẩy mạnh các hoạt động Performance hay cụ thể là Performance Marketing, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đây là một tư duy sai lầm.
Dù với tư cách là người làm marketing hay là một nhà lãnh đạo doanh nghiệp, thúc đẩy doanh số bán hàng (Sales) hiển nhiên là nhiệm vụ sống còn, để làm điều này, các doanh nghiệp ở các ngành nghề khác nhau có những cách tiếp cận khác nhau.
Trong khi có không ít các thương hiệu tiếp cận theo hướng bền vững dài hạn và toàn diện, một số khác lại giới hạn tiềm năng kinh doanh của chính họ trên thị trường bởi các tư duy ngắn hạn.
Tiếp cận theo hướng dài hạn nghĩa là doanh nghiệp không ngừng xây dựng các tài sản gắn liền với thương hiệu và ngược lại theo hướng ngắn hạn, doanh nghiệp chỉ tập trung vào các hoạt động thúc đẩy bán hàng trực tiếp.
Một trong những tài sản được coi là nền tảng của các thương hiệu đó là mức độ nhận biết của thương hiệu hay nhận thức của khách hàng về thương hiệu trên thị trường.
Nhận thức về thương hiệu đề cập đến mức độ phổ biến (được biết và nhớ) của thương hiệu trong tâm trí của khách hàng mục tiêu. Nó cũng có thể được hiểu là tần suất thương hiệu hoặc tên sản phẩm của doanh nghiệp xuất hiện trong các cuộc trò chuyện của khách hàng và người tiêu dùng.
Nhận thức về thương hiệu càng cao thì cơ hội tạo ra sự quan tâm và bán hàng của thương hiệu càng lớn. Nếu doanh nghiệp không ngừng đầu tư vào loại tài sản này, doanh số bán hàng sẽ ngày càng được cải thiện rõ rệt.
Nhận thức về thương hiệu là gì?
Nhận thức về thương hiệu hay còn được gọi là Độ nhận biết thương hiệu (Brand Awareness) là một thuật ngữ khá phổ biến trong ngành marketing, được sử dụng để mô tả mức độ quen thuộc của một cá nhân (người tiêu dùng) với một thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hoặc doanh nghiệp cụ thể.
Các nghiên cứu cho thấy người tiêu dùng có nhiều khả năng mua hàng hơn từ các thương hiệu mà họ biết và tin tưởng.
Nói một cách đơn giản, nhận thức về thương hiệu là những gì bạn làm để tạo ra những kết nối cảm xúc với người tiêu dùng mục tiêu, tác động đến quyết định mua hàng, sở thích và lòng trung thành của họ.
Nằm trong hành trình mua hàng tổng thể, nhận thức về thương hiệu hay biết về thương hiệu là giai đoạn đầu tiên của mọi quyết định mua hàng.
Nhận thức về thương hiệu mạnh sẽ thúc đẩy hiệu suất bán hàng trong tương lai bằng cách đảm bảo rằng các khách hàng hiện tại và khách hàng tiềm năng sẽ luôn biết về sản phẩm hoặc dịch vụ của thương hiệu trước khi họ tìm hiểu sâu hơn về thương hiệu.
Khi nói đến giá trị hay sức ảnh hưởng của nhận thức về thương hiệu, bạn cần hiểu là nhận thức về thương hiệu chỉ thực sự có ý nghĩa (đặc biệt là vế khía cạnh bán hàng) khi áp dụng cho các nhóm khách hàng hay đối tượng mục tiêu của thương hiệu.
Bạn cứ hình dung là, nếu bạn là thương hiệu hàng xa xỉ thì việc người có thu nhập thấp có nhận thức tốt về nó cơ bản cũng không thể mang lại lợi nhuận cho bạn.
Điều cuối cùng cũng quan trọng không kém, nhận thức thương hiệu chỉ có chức năng hỗ trợ bán hàng chứ không phải là yếu tố quyết định.
Suy cho cùng, thương hiệu của bạn có phổ biến đến mức nào nhưng sản phẩm và dịch vụ kém chất lượng thì cũng khó mà tồn tại được
Các thương hiệu như Mercedes hay BMW không chỉ có cái gọi là “thương hiệu“, sản phẩm của họ thực sự chất lượng.
Tầm quan trọng của nhận thức về thương hiệu.
Mục tiêu cuối cùng của các doanh nghiệp khi tiến hành xây dựng thương hiệu đó là trở thành một thương hiệu mạnh. Một thương hiệu mạnh được bắt đầu từ sự nhận biết rộng rãi, không chỉ với các nhóm khách hàng mục tiêu, những người có nhiều khả năng mua sản phẩm, mà còn cả với những người dùng khác.
Nhận thức được giá trị này, nếu doanh nghiệp của bạn vẫn chỉ sử dụng chiến thuật Performance Marketing ngắn hạn để thúc đẩy doanh số, đã đến lúc bạn cần thay đổi.
Dưới đây là một số lợi ích chính khi doanh nghiệp tăng khả năng nhận diện của thương hiệu:
Tăng doanh số bán hàng.
Như đã đề cập ở trên, doanh số bán hàng khó hoặc hiếm khi chỉ đến từ các chiến thuật ngắn hạn hoặc trực tiếp, đặc biệt với các sản phẩm B2B thì điều này càng bất khả thi hơn.
Người tiêu dùng về cơ bản là sẽ tìm hiểu và mua các sản phẩm ít nhất là họ đã biết hoặc cao hơn là tin tưởng về thương hiệu đó.
Khi sự phổ biến là nền tảng của niềm tin, thúc đẩy nhận biết về thương hiệu cũng đồng nghĩa với việc thúc đẩy doanh số bán hàng.
Hãy đầu tư nguồn lực để thiết lập một hình ảnh thương hiệu vững chắc.
Nhận thức về thương hiệu tốt có thể thúc đẩy lòng trung thành của khách hàng.
Khi khách hàng trở nên trung thành hơn, họ có nhiều khả năng mua hàng lặp lại hơn, và như bạn đã biết chi phí để bạn có được một khách hàng cao hơn nhiều lần so với duy trì khách hàng cũ.
Tuy nhiên, là con người, lòng trung thành cũng bị thay đổi theo thời gian, điều này có nghĩa là, ở một thời điểm nào đó khách hàng mua hàng và trung thành với thương hiệu của bạn không có nghĩa họ cũng sẽ trung thành trong tương lai.
Khi hành vi và nhận thức của khách hàng thay đổi, cùng với đó là sự cạnh tranh từ các thương hiệu khác trên thị trường, bạn cần liên tục xây dựng và củng cố mức độ nhận biết của thương hiệu hay cách khách hàng biết về thương hiệu.
Về bản chất, khi các khách hàng mới (khách hàng tiềm năng) nghe và biết càng nhiều về thương hiệu thông qua các phương tiện truyền thông, họ cũng có nhiều khả năng trở thành người mua trung thành trong tương lai.
Nhận thức về thương hiệu cũng có thể thúc đẩy nhận diện sản phẩm tốt hơn.
Khi mọi người quen thuộc với thương hiệu của bạn, họ có nhiều khả năng mua hàng của bạn hơn. Nếu mọi người không nhận ra tên và logo công ty của bạn, họ sẽ khó mà nhớ đến điều gì đó khiến bạn trở nên độc đáo hoặc tại sao họ nên chọn sản phẩm của bạn thay vì một doanh nghiệp khác trên thị trường.
Khi khách hàng càng biết đến và tin tưởng thương hiệu của bạn, họ sẽ càng cảm thấy thoải mái hơn khi mua hàng của bạn.
Điều bạn cần làm là xây dựng sự hiện diện mạnh mẽ của thương hiệu trong thị trường mục tiêu của mình thông qua các nỗ lực marketing và quảng cáo, bạn cần có được một mức độ nhận biết cao.
Kết luận.
Là người làm marketing, hơn ai hết bạn hiểu rằng người tiêu dùng đưa ra quyết định mua hàng dựa trên cảm xúc, thay vì logic. Với ý nghĩ đó, xây dựng nhận thức về thương hiệu hay các bản sắc của thương hiệu là một cách hiệu quả để tiếp cận người tiêu dùng ở cấp độ cảm xúc.
Nếu được thực hiện một cách chính xác, nó có thể thuyết phục người tiêu dùng rằng các sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp của bạn xứng đáng với số tiền mà họ phải bỏ ra.
Trong khi như MarketingTrips đã đề cập là có vô số cách để marketing một thương hiệu, xây dựng nhận thức về thương hiệu luôn là con đường đúng đắn và bền vững.
Nam Nguyen | MarketingTrips